Cựu Giáo chức - Học sinh
Ý kiến thăm dò
Đánh giá của bạn về giao diện cổng thông tin nhà trường?
TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP III NGA SƠN- THPT BA ĐÌNH 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Đăng lúc: 10:38:12 12/11/2016 (GMT+7)
Tháng 8 năm 1963, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân huyện Nga Sơn, Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 1878/QĐ-VX về việc thành lập trường phổ thông cấp III Nga Sơn
Tháng 8 năm 1963, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân huyện Nga Sơn, Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 1878/QĐ-VX về việc
thành lập trường phổ thông cấp III Nga Sơn. Theo đó, nhà trường có 3 lớp học sinh gồm 2 lớp 8 tuyển mới và 1 lớp 9 chuyển từ trường cấp III Hà Trung về. Nhà trường có 9 thầy cô giáo, 120 học sinh do thầy giáo Lại Văn Tấn làm Hiệu trưởng. Trong 2 năm đầu, nhà trường phải học nhờ trường cấp II Nga Sơn và phòng y tế của huyện. Trong những năm chiến tranh, nhà trường phân làm 2 khu: khu bắc và khu nam và sơ tán đến các địa điểm: Nga Văn, Nga Trường, Nga Hải và Nga Mỹ, Nga Trung, Nga Nhân. Đầu năm học 1973-1974, nhà trường chuyển về trung tâm huyện và ổn định ở địa điểm này đến hiện nay.
Ngày đầu thành lập và phát triển trong điều kiện chiến tranh, thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn thách thức. Nhà trường vừa phải duy trì nề nếp dạy và học, vừa tổ chức lao động xây lán lớp học, làm bàn ghế, cải tạo cảnh quan môi trường. Nhất là khi phải sơ tán đến các xã để tránh chiến tranh phá hoại, thầy trò phải đội mũ rơm đến trường, thậm chí phải tổ chức học ban đêm. Trong điều kiện đầy gay go đó, các phong trào thi đua vẫn được đẩy mạnh, nhất là phong trào “ ba sẵn sàng”, “ năm xung phong” để duy trì và nâng cao chất lượng dạy học. Trong thời gian này, đội ngũ cán bộ quản lý được bổ sung. Năm 1966, thầy Nguyễn Danh Dự được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng và hai năm sau thầy Dự được Ty giáo dục điều lên làm Hiệu trưởng trường cấp III Hà Trung và thầy Trần Ngọc Bốc được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ, tiếp theo năm 1969 thầy Lưu Ngôi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng. Số lượng học sinh và số lớp dần tăng lên, năm 1975 có tới 27 lớp với gần 1400 học sinh , tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 90% và nhiều học sinh được tiếp nhận vào các trường Đại học. Các thầy cô giáo dù phải lăn lộn ngược xuôi đôi bờ sông Hưng Long để về khu bắc và khu nam giảng dạy, song vẫn bám trường, bám lớp và đem hết tâm huyết vì thế hệ học sinh thân yêu. Hưởng ứng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thầy và trò nhà trường đã hăng hái tòng quân lên đường nhập ngũ. Đã có 17 thầy giáo và 2.145 học sinh tham gia lực lượng vũ trang góp phần to lớn vào trang sử hào hùng của dân tộc.
Chiến tranh phá hoại kết thúc, năm học 1973 1974 trường chuyển về vị trí hiện nay. Thầy và trò lại bắt đầu làm lại từ đầu, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp từ nguồn đóng góp, ủng hộ của phụ huynh học sinh và nhân dân trong toàn huyện.Nhà trường đã bắt đầu ổn định và phát triển nhanh chóng đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà. Năm 1974, sau 4 năm thầy Lưu Ngôi giữ chức Quyền Hiệu trưởng khi thầy Lại Văn Tấn nghỉ hưu, thầy Lưu Xuân Tiếu- Trưởng phòng bổ túc văn hoá của Ty giáo dục được điều về làm Hiệu trưởng và thầy Trần Ngọc Bốc, Nguyễn Đình Miện làm Phó Hiệu trưởng.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dài dằng dặc đã toàn thắng ngày 30-4-1975, đất nước hòa bình thống nhất . Thời khắc vui sướng tự hào đến ngỡ ngàng dâng tràn khắp nơi, thầy và trò đem niềm vui vào trong từng tiết học. Thời kỳ này, số lớp và số học sinh tăng lên nhiều, năm 1981 có đến 51 lớp với hơn 2000 học sinh. Đội ngũ quản lý được củng cố và tăng cường. Bên cạnh thầy Trần Ngọc Bốc, thầy Nguyễn Đình Miện là Phó Hiệu trưởng, Ty giáo dục còn bổ nhiệm cô giáo Đặng Thị Linh, thầy Hoàng Kiều Phó Hiệu trưởng. Năm 1982, thầy Mai Xuân Hảo- Hiệu phó trường cấp III Hà Trung và thầy Thịnh Giao cán bộ Ty giáo dục được điều về làm Phó Hiệu trưởng. Năm 1984, thầy Lưu Xuân Tiếu nghỉ chế độ, thầy Mai Xuân Hảo được bổ nhiệm Hiệu trưởng, thầy Trần Ngọc Chinh được đề bạt Phó Hiệu trưởng, thầy Mai Văn Quy từ trường PTTH Trung Sơn về làm Phó Hiệu trưởng. Hai năm sau, thầy Mai Ngọc Khanh- Bí thư Đoàn trường được đề bạt Phó hiệu trưởng. Đội ngũ giáo viên đã có tới 115 người. Sức ép về số lượng học sinh đã gây khó khăn rất lớn đến cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Trên cơ sở tìm tòi, khảo nghiệm và từng bước chấn chỉnh nền nếp, nhà trường đã có những bước đi mới với việc thành lập các lớp chọn theo định hướng thi Đại học, vừa tăng cường bồi dưỡng giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị. Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Bộ giáo dục từ chỗ lấy lao động sản xuất làm “khâu trung tâm” đến chỗ “ “lao động hướng nghiệp và dạy nghề”, nhà trường đã triển khai nhiều hình thức lao động: dệt chiếu,dóc quại,đan bao manh,đốt gạch vôi,trồng nấm rơm, sản xuất đồ mộc,trồng cây… góp phần củng cố cơ sở vật chất và định hướng nghề cho học sinh. Sự kiện đánh dấu quan trọng đối với nhà trường là năm 1986 nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Ba Đình, nhà trường rất vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đổi tên trường phổ thông cấp 3 Nga Sơn thành trường PTTH Ba Đình. Niềm vui, niềm tự hào đã kích thích, động viên nhà trường thi đua dạy tốt, học tốt. Vì vậy, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 95% trở lên. Số lượng học sinh đỗ đại học từ chỗ chỉ có 1 đến 2 học sinh mỗi năm học đã lên tới gần 100 em. Nhà trường đã vươn lên vị trí dẫn đầu ngành giáo dục, liên tục được công nhận tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, được Bộ giáo dục -Đào tạo và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Thầy giáo Hiệu trưởng Mai Xuân Hảo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, bộ máy lãnh đạo nhà trường có sự thay đổi lớn. Thầy Mai Xuân Hảo được Sở điều lên làm Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn, thầy Trần Ngọc Bốc được bổ nhiệm Phó Chủ tịch huyện, thầy Mai Văn Quy chuyển sang UBND huyện, thầy Thịnh Giao được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp III Nga Sơn 2- nay là trường THPT Mai Anh Tuấn. Hiệu trưởng nhà trường là thầy Mai Ngọc Khanh và Phó Hiệu trưởng là thầy Trần Ngọc Chinh và thầy Nguyễn Đình Phùng. Nhà trường được UBND huyện đầu tư xây dựng khu Hiệu bộ kiên cố cùng với 2 dãy nhà cao tầng 20 phòng học và các trang thiết bị khác. Cảnh quan môi trường tiếp tục được cải tạo. Kế thừa kết quả đã đạt được trong điều kiện lịch sử mới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua và do đó đã tạo ra những bứt phá về chất lượng. Năm học 1992-1993, em Mai Viết An đạt giải ba Quốc gia môn Hoá học do thầy giáo Mai Văn Đính giảng dạy đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử phát triển, động viên, khích lệ các thầy cô giáo và các em học sinh vươn lên giảng dạy, học tập. Kể từ năm 1993 đến 2000, nhà trường liên tiếp có 12 học sinh đạt giải Quốc gia ở các bộ môn Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải ba và 2 giải khuyến khích gắn với tên tuổi các thầy cô giáo: Phan Biền, Mai Văn Roanh, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Thân, Mai Quang Kiêm, Bùi Thị Oanh. Học sinh đỗ Đại học đã vươn lên trên 200 em mỗi năm. Chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm nhà trường chỉ xếp sau trường chuyên Lam Sơn. Nhà trường liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, dẫn đầu ngành giáo dục và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 1991, hạng Nhì năm 1996. Thầy giáo Mai Văn Đính tổ trưởng tổ Hoá học được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Bước sang thiên niên kỷ mới, nhà trường có nhiều thay đổi. Hiệu trưởng Mai Ngọc Khanh được bầu Phó Chủ tịch UBND huyện, phó hiệu trưởng Trần Ngọc Chinh được Sở điều động sang làm Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú. Thầy giáo Nguyễn Đình Phùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và thầy giáo Bùi Nga, Nguyễn Tuấn Anh làm Phó Hiệu trưởng. Năm 2008, thầy Nguyễn Đình Phùng được bầu Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội Thanh Hoá, thầy giáo Bùi Nga được bầu làm Hiệu trưởng và đến tháng 9/2012 thầy giáo Bùi Nga nghỉ chế độ và thầy Nguyễn Tuấn Anh làm Hiệu trưởng. Trong giai đoạn này, các thầy cô giáo Phạm Xuân Dinh, Nghiêm Thị Lan đảm nhiệm Phó Hiệu trưởng và đến 2010 cô giáo Nghiêm Thị Lan chuyển đi Đại học Sài Gòn thì đến 2012 cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hoàng Thị Uyên được đề bạt Phó Hiệu trưởng . Đây là giai đoạn nhà trường có nhiều bứt phá đi lên. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ vào các trường đại học được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhà trường tiếp tục đạt 9 giải học sinh giỏi Quốc gia, khu vực với 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích ở các bộ môn Lịch sử, máy tính casio do các thầy cô giáo Vũ Văn Thân, Bùi Thị Oanh, Mai Quang Kiêm, Trần Văn Ngọc, Phạm Đức Anh, Lê Hoàng Tuấn, Nguyễn Bá Côn, Cao Viết Châu, Nguyễn Hữu Quê, Mai Thị Mơ trực tiếp giảng dạy. Đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt trên dưới 100 giải và được xếp trong top đầu của Thanh Hoá. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học đã lên trên 300 em mỗi năm, nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Tiếp theo em Trần Văn Dũng- 1 trong 2 học sinh cả nước lần đầu tiên đạt 3 điểm 10 thi đại học năm học 2002- 2003 là em Bùi Đức Ngọt đạt 3 điểm 10 học viện Cảnh sát nhân dân và thủ khoa của đại học Y Hà Nội năm học 2007- 2008. Nhà trường liên tục được xếp trong top 100, 200 trường THPT chất lượng hàng đầu của cả nước. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp được đẩy mạnh và đạt được thành tích cao. Năm học 2002- 2003 em Nguyễn Văn Quý đạt giải ba chung kết năm Đường lên đỉnh OLYMPIA, đội tuyển nữ đạt giải nhì toàn quốc cuộc thi nữ sinh tương lai do tạp chí thế giới mới tổ chức..... Với thành tích đạt được, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất năm 2001, Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Cờ thi đua năm 2002, 2003, 2004. Năm 2005 được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia và được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Từ 2005 đến 2013, nhà trường liên tục được tặng thưởng Huân Chương độc lập hạng ba năm 2007, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2011, 2012 và Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2012. Nhà trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo Mai Văn Đính, Nhà giáo Ưu tú cho thầy giáo Bùi Nga và cô giáo Hoàng Thị Luyến. Các thầy cô giáo được tặng thưởng 7 Huân chương Lao động hạng Ba, 10 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều các hình thức khen thưởng khác.
Nhìn lại 50 năm qua, nhiều người ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nhà trường. Vẫn trên mảnh đấy ấy, những dãy lán lớp học, nhà cấp 4 lụp xụp, bàn ghế xi măng, đồ dùng dạy học đơn sơ hay những mảnh sân phơi đầy cát và nắng gió một thời chỉ còn là hoài niệm, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, cây xanh cổ thụ toả bóng quanh năm, bồn hoa cây cảnh khang trang, hiện đại. Sự lớn lên của nhà trường là nhân chứng lịch sử ghi dấu quá trình phấn đấu và trưởng thành của lớp lớp các thế hệ học sinh. Gần 30 nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường, trong số đó có đến 1/3 đạt trình độ đại học. Các em đang ngày đêm đem tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho sự phát triển của quê hương đất nước. Nhiều người đã thành danh trên các lĩnh vực công tác, đảm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tướng lĩnh quân đội được Đảng, Nhà nước phong tặng phần thưởng cao quý như Giáo sư, Tiến sỹ, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, thầy thuốc Ưu tú, doanh nhân tài năng. Dù trên bất kỳ lĩnh vực nào, các thế hệ học sinh nhà trường luôn nêu cao bản lĩnh, ý chí khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử nhà trường cũng từng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các thầy cô giáo, các em học sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Nhiều người đã vĩnh viễn gửi thân mình vào đất mẹ thân yêu vì màu xanh của Tổ quốc và màu cờ độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.
Chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học sinh là sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ nhà giáo. Trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị công tác nào, các thầy giáo, cô giáo luôn chung sức chung lòng, tâm huyết, thương yêu, đùm bọc, chở che, chỉ bảo ân cần cho các em. Các nhà giáo không chỉ đem đến cho các em niềm tin của trí tuệ, sự hiểu biết, thắp sáng ước mơ, khát vọng mà còn hun đúc trong nhân cách của các em đạo lý và giá trị làm người.
Vượt qua những khó khăn của muôn mặt đời thường, gắn bó cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, các thế hệ nhà giáo đã đạt được những thành công nhất định trên cương vị công tác của mình. Nhiều thầy cô giáo đã đạt giáo viên giỏi và chiến sỹ thi đua các cấp, các phần thưởng mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Đặc biệt từ 1992 đến nay đã có 58 thầy cô giáo được vinh danh Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp Toàn quốc, 53 thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, có 120 thầy cô giáo đạt SKKN với hơn 400 sáng kiến và đồ dùng dạy học. Nhiều thầy cô giáo không chỉ dạy giỏi, quản lý giỏi mà còn là nguồn cán bộ quản lý có năng lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đây là kết quả đáng ghi nhận mà ít trường THPT và cơ sở giáo dục trong tỉnh có được. Hiện nay, nhà trường có 100% thầy cô giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có 12 thầy cô đạt trình độ trên chuẩn, gần 40% đạt giáo viên giỏi và chiến sỹ thi đua các cấp. Tất cả những điều đó đã làm nên bản sắc và giá trị truyền thống của trường cấp III Nga Sơn- THPT Ba Đình: Truyền thống vượt khó khăn của các thế hệ nhà giáo và thế hệ học sinh.
Quá trình đi lên của nhà trường luôn có sự quan tâm hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ- UBND và các ban ngành cấp tỉnh mà trực tiếp là Sở giáo dục -Đào tạo Thanh Hoá, sự giúp đỡ tận tâm của các nhà doanh nghiệp, sự động viên khích lệ của các đơn vị bạn. Đó là nền tảng vững chắc để trường THPT Ba Đình vững bước trên con đường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Nhà trường mãi là địa chỉ tin cậy, đáp ứng sự kỳ vọng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân và các thế hệ học sinh.